(Tiếp phần 1)
II. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Thái Nguyên
2.1. Những ưu điểm
Thái Nguyên có nguồn nhân lực lao động đồi dào, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao gấp đôi người phụ thuộc (768.688/1.200.000). Lực lượng lao động của tỉnh Thái Nguyên nhìn chung thuộc loại trẻ. Tỷ lệ người đang làm việc trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao (trong tổng số 768.688 người từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động có 679.623 người đang làm việc trong nền kinh tế, chiếm tỷ lệ 60,08% dân số).
Tỷ lệ lao động được đào tạo ngày càng tăng : tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 là 56,36% ; năm 2015 dân số Thái Nguyên trong độ tuổi lao động có 721,175 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,01% .
Cơ cấu lao động dich chuyển phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng lao động khu vực nông-lâm-ngư giảm, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ tăng.
Trình độ học vấn của nhân lực Thái Nguyên cao hơn mức bình quân của vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ và của cả nước. Tỷ trọng người tốt nghiệp trung học cơ sở và THPT là 69,6% (trong đó tốt nghiệp trung học cơ sở là 41,45%, tốt nghiệp trung học phổ thông là 28,2%). Các chỉ tiêu tương ứng của cả nước là 53,5%; 32,7% và 20,8%.
Chất lượng của nhóm lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên với mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2020 – 2025 và các năm tiếp theo đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX chất lượng NNL đòi hỏi phải được nâng cao hơn nữa.
Những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh Thái Nguyên có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt, được tăng cường về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Trong vòng 5 năm từ 2011 - 2015, lực lượng công chức, viên chức của tỉnh đã tăng từ 25.754 người năm 2011 lên 27.098 người năm 2015, tốc độ tăng bình quân gần 300ng/năm. Tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên tăng từ 45,22% (11.646/25.754 người) năm 2011, lên 14.944/27.098 người, đạt 55% năm 2015.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Nguyên hiện nay được đào tạo về chuyên môn, được bồi dưỡng nghiệp vụ, được giáo dục về ý thức kỷ luật trong lao động ... cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
2.2. Một số hạn chế, tồn tại của NNL
Cũng như tình trạng chung của cả nước, nhân lực của Thái Nguyên vừa thừa lại vừa thiếu, chất lượng NNL còn thấp. (Chất lượng NNL được đánh giá bằng kỹ năng làm việc, thể lực và ý thức lao động). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng làm việc của đại bộ phận nhân lực còn thấp chỉ đáp ứng được yêu cầu hiện tại, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại. Khả năng chuyển giao công nghệ hiện đại và tiếp thu công nghệ mới còn hạn chế. Ý thức tổ chức ký luật trong lao động chưa cao. Thể lực còn hạn chế.
Vẫn còn một lực lượng lớn lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề hoặc chất lượng đào tạo chưa đảm bảo yêu cầu. Cơ cấu lao động của Thái Nguyên đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tế. NNL phân bố không đều giữa các ngành và các vùng. Trong nội ngành cũng chưa hợp lý. Vùng núi, vùng khó khăn còn thiếu NNL có chất lượng cao, cán bộ quản lý giỏi.
2.3. Sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Thái Nguyên
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách, cơ chế đồng bộ.
- Triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhân lực trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và đổi mới hoạt động của các cơ quan xây dựng chính sách về phát triển nhân lực cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân làm công tác quản trị nhân sự ở các cơ quan nhà nước phù hợp với từng loại hình cơ quan, tổ chức; tránh đào tạo, bồi dưỡng chung chung về hành chính nhà nước.
- Sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhân lực. Thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực từ sự đóng góp của người dân, các doanh nghiệp.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ (trên đại học) theo các ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu đào tạo (quản lý hành chính nhà nước, chính sách công, chuyên gia cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...)
- Tạo lập thị trường và môi trường hoạt động khoa học và công nghệ, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức khoa học - công nghệ các hội chuyên ngành; tạo cơ chế hình thành các doanh nghiệp khoa học – công nghệ, tạo cơ hội làm việc, cống hiến, thể hiện và nâng cao thu nhập của nguồn nhân lực trình độ cao.
Chính sách xã hội hoá phát triển nhân lực. Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hoá phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh với định hướng như sau:
- Tiếp cận đào tạo nói chung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như là một “dịch vụ” chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay của nhà nước.
Phát huy lợi thế hệ thống giáo dục - đào tạo trên địa bàn Tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên là một trong 3 trung tâm đào tào lớn của cả nước. Tỉnh tạo điều kiện thuận để đa dạng hóa các loại hình trường và cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh phát triển để tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. (còn nữa)