Hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của trường đại học đó là: đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường, trong đó việc giảng viên trẻ của nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Giảng viên tại trường đại học cũng có hai nhiệm vụ quan trọng nhất: Giảng dạy và NCKH. Thực tiễn và lý luận đều chứng minh rằng, NCKH và giảng dạy có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. NCKH tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Ngược lại, công tác giảng dạy là động lực của hoạt động NCKH. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay, việc tham gia vào những hoạt động NCKH sẽ đem lại nhiều lợi ích:
Thứ nhất: Giúp giảng viên có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa đầy đủ trong bài giảng của mình.
Thứ hai: Giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố kiến thức chuyên môn của mình, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn từ những kiến thức của các chuyên ngành khác.
Thứ ba: Nghiên cứu khoa học còn góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên, đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu.
Thứ tư: Tham gia hoạt động NCKH là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực NCKH. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Thứ năm: Hoạt động NCKH sẽ góp phần quan trọng để khẳng định uy tín của nhà trường. Mỗi công trình NCKH đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành với tên cán bộ, giảng viên gắn với tên nhà trường là một lần thương hiệu và uy tín của nhà trường được thể hiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, và đặc biệt là các giảng viên trẻ, trường Đại học Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên luôn luôn chú trọng, khuyến khích giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện, để giảng viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học, xác định đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giảng viên.
Được sự quan tâm trong công tác NCKH của nhà trường, năm học vừa qua, đội ngũ giảng viên trẻ toàn trường đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ và cấp nhà nước. Có hàng chục công trình khoa học đã được công bố trên các Tạp chí quốc tế và quốc gia uy tín, như: Cải thiện khả năng gia công khi khoan lỗ sâu trên hợp kim nhôm có rung động siêu âm trợ giúp 2; Phương pháp tiếp cận mới để mô hình hóa mô-men xoắn khoan khi khoan lỗ sâu thông thường và có rung động siêu âm trợ giúp…
Về cơ bản, hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên trẻ đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của các nhà trường, góp phần tạo nên uy tín, chất lượng trong đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn còn có một số hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ Nhà trường đề ra, cụ thể là:
Thứ nhất, một số giảng viên trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, do vậy chưa thực sự chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu.
Thứ hai, một số đề tài mang tính chất khái quát, chưa sâu, chưa đi vào những vấn đề cụ thể, bỏ ngỏ nhiều vấn đề mang tính cấp thiết.
Thứ ba, có thể khẳng định rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên trẻ hiện nay đến từ việc giảng dạy và chưa cao so với mặt bằng chung. Việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Do vậy, nhiều giảng viên trẻ “lãng quên” NCKH.
Thứ tư, một bộ phận giảng viên trẻ do còn hạn chế về ngoại ngữ, nên chưa khai thác được các nguồn tài liệu tham khảo có chất lượng cao và có tính thời sự phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học
Thứ năm, kinh phí phục vụ cho những đề tài NCKH của giảng viên không nhiều. Đây cũng là điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác phát triển NCKH, đặc biệt là với các giảng viên trẻ.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên phát triển hơn nữa, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với nhà trường:
Tăng cường vai trò của quản lí khoa học và công nghệ trong phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ qua các kế hoạch cụ thể cho từng giảng viên theo từng năm học, coi đó là nhiệm vụ bắt buộc cần phải thực hiện trong năm học.
Tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, có cơ chế khuyến khích giảng viên trẻ tham gia NCKH thông qua việc khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH
Thành lập câu lạc bộ NCKH trong nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ cho các giảng viên trẻ tham gia thực hiện đề tài với những giảng viên có kinh nghiệm.
Đối với các giảng viên trẻ:
Cần phát huy cao độ trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ, thể hiện tinh thần “xông pha, tình nguyện, sáng tạo, đổi mới” trong công tác giảng dạy và NCKH.
Với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện ngày càng tốt trong công tác NCKH của nhà trường, công tác NCKH của giảng viên trường Đại học Kinh tế-Công nghệ Thái Nguyên sẽ thu được nhiểu kết quả hơn nữa./.
TS. Chu Ngọc Hùng