Tạo các video về lịch sử trên TikTok, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi, Greence coi đó là một phần nỗ lực tìm việc trong lĩnh vực giáo dục sau tốt nghiệp.
Theo một khảo sát từ College Pulse, tổ chức nghiên cứu dữ liệu và giải pháp giúp kết nối tốt hơn doanh nghiệp và sinh viên ở Mỹ, sinh viên đại học sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mỗi ngày nhưng khi nói đến tìm việc làm, hơn một phần ba cho biết hoàn toàn không dùng các nền tảng mạng xã hội.
Kahlil Greence, sinh viên năm cuối Đại học Yale (Mỹ), bày tỏ sự khó hiểu khi nhiều người không tận dụng mạng xã hội như công cụ giúp tìm việc. "Đó là con đường của tương lai và nếu không theo kịp, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau", Greence nói.
Greence đăng video TikTok đầu tiên vào ngày Martin Luther King Jr. năm 2021 (18/1) và tiếp tục đăng các video có nội dung liên quan đến lịch sử sau đó. Nghiên cứu lịch sử của sự thay đổi xã hội và các phong trào xã hội tại Đại học Yale, Greence dùng TikTok để chia sẻ về văn hóa của người da màu và những câu chuyện ít người biết. Video nhanh chóng thu về 1,3 triệu lượt xem. Hiện tại, 500.000 người theo dõi cậu trên các nền tảng, bao gồm cả Instagram và LinkedIn. Đây là một phần trong nỗ lực của nam sinh nhằm tìm kiếm công việc trong lĩnh vực giáo dục sau khi tốt nghiệp.
Trong thế giới việc làm ngày nay, bản sơ yếu lý lịch và thư xin việc dài một trang được thiết kế riêng không phải là cách duy nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mạng xã hội là một cách giúp ứng viên nổi bật, bên cạnh quy trình tuyển dụng truyền thống, cho dù bạn có phải là một người có ảnh hưởng hay không.
Năm 2021, có tới 92% công ty sử dụng mạng xã hội và mạng nghề nghiệp để tuyển dụng, theo công ty tuyển dụng xã hội CareerArc.
Korin Harris, nhà tuyển dụng cấp cao tại Academia.edu, cho biết "có một bản sơ yếu lý lịch là rất tốt nhưng mọi người đều có LinkedIn. Vì vậy, hãy điền thêm thông tin trên đó". Đối với hầu hết công việc, có những dữ liệu và thành tích được chia sẻ mà những nhà tuyển dụng như Harris muốn xem.
Theo LinkedIn, cứ mỗi phút lại có ba người được tuyển dụng thông qua nền tảng mạng nghề nghiệp. LinkedIn có thể là nơi thích hợp cho một sơ yếu lý lịch trực tuyến nhưng nó không phải lựa chọn duy nhất. Instagram, Facebook, Twitter, TikTok và YouTube cũng là những nền tảng giúp nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm.
Tony Bancroft, một người có thâm niên gần 35 năm trong ngành công nghiệp hoạt hình, chia sẻ ông không thể phóng đại tầm quan trọng của mạng xã hội đối với thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, ông tự hào có hơn 114.000 người theo dõi trên Instagram kể từ năm 2015, nơi ông chia sẻ các hình minh họa và mọi thứ liên quan đến ngành.
Với vai trò là giám đốc chương trình Hoạt hình và Hiệu ứng hình ảnh tại Đại học Azusa Pacificn, Bancroft cũng thường khuyên sinh viên sắp xếp các nội dung đăng tải trên mạng xã hội để tạo sự khác biệt.
Lời khuyên đó đã giúp một số sinh viên của ông được các dự án lớn nhỏ liên hệ thông qua mạng xã hội. Ông nhấn mạnh tạo thương hiệu cá nhân không cần phải quá vất vả, khó khăn hay tốn thời gian mà chỉ cần là chính mình. Các bài đăng nhất quán, một số người theo dõi và một số tin nhắn trực tiếp có thể giúp sinh viên mở ra một chặng đường dài.
Gần một nửa số nhà tuyển dụng nói rằng họ ít gọi ứng viên đi phỏng vấn nếu không tìm thấy trên mạng. Trevor Dunnigan, sinh viên ngành điện ảnh năm thứ ba Đại học Chapman, người cũng thường làm công việc tuyển dụng cho các dự án của mình, cho biết cậu thường không nhận danh thiếp của ai đó mà nhận link Instagram của họ.
Chỉ với một vài thao tác trên trang cá nhân của ai đó đến tab của những người theo dõi họ, Dunnigan có thể đánh giá cề mức độ hoạt động, quy mô sản xuất dự án mà họ thực hiện ra sao. Dunnigan từng ứng tuyển vào một công ty sau khi đọc được câu chuyện trên Instagram của họ. Dù không được nhận, cậu cho rằng nếu không theo dõi công ty trên Instagram, cậu sẽ không tìm thấy cơ hội nào cả.
Đối với Greene cũng vậy, nền tảng yêu thích hiện tại của cậu là Instagram, "chỉ vì nó có mọi thứ mà TikTok có thể làm và hơn thế nữa". Bất kể sử dụng nền tảng mạng xã hội nào, các chuyên gia cho rằng nên theo dõi những người có ảnh hưởng và các trang liên quan đến ngành học. Để tăng cơ hội, sinh viên hãy giới thiệu bản thân với người khác và sẵn sàng đặt câu hỏi bởi "phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn và nó cũng có thể giúp bạn khám phá họ".
Makena Yee, sinh viên năm cuối của Đại học Washington, Seattle, là minh chứng sống khác cho việc tận dụng mạng xã hội để tìm việc. Hồi tháng 5, Yee đã đăng một video dài 60 giây như một phần của chương trình thử nghiệm "TikTok Resumes". Sau đó, cô nhận được 15 đề nghị việc làm và khoảng 6 lời mời phỏng vấn.
TikTok cho biết trong vòng 48 giờ đầu tiên kể từ khi chương trình TikTokResumes ra mắt vào tháng 7, người dùng đã đăng tải 800 video.
Ngay từ đầu, là một ứng dụng video dạng ngắn với các công cụ tạo video tích hợp, TikTok đã tự nhiên tạo ra những cách thức mới cho các nhà tuyển dụng và những ứng viên tiềm năng. Chương trình Resumes vừa tiến thêm một bước nữa là cho phép người tìm việc trực tiếp nộp đơn tại các công ty như Chipotle, Target hay Shopify.
Bất kỳ ai cũng có thể tận dụng mạng xã hội làm lợi thế khi tìm việc. Những người đã thành công khuyên sinh viên nên mở ra cho mình nhiều cơ hội bằng cách tìm hiểu hồ sơ của các công ty mơ ước trên mạng xã hội, tạo kết nối với nhà tuyển dụng thông qua các nền tảng này, thể hiện thành tích, con người mình.
Dương Tâm (Theo CNBC)
(P. HSSV sưu tầm)